Xây dựng sân bay Long Thành là tất yếu khách quan và cần thiết cho đất nước phát triển

28/03/2014 - 12:28 AM - 2.252 lượt xem

Đây là kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp sáng nay 27/3 với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ về Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về
Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), mục tiêu của việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành là xây dựng cảng hàng không quốc tế cấp F4, theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có công suất 100 triệu hành khách/năm với 5 triệu tấn hàng hóa/năm (khi hoàn thành toàn bộ các giai đoạn đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt). Cảng HKQT Long Thành dự kiến sẽ là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không trong khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn một của Dự án là từ 2011 - 2020. Giai đoạn này sẽ xây dựng Cảng hàng không quốc tế có công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đưa vào khai thác nhằm hỗ trợ cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất quá tải. Giai đoạn hai của Dự án (từ năm 2020 - 2030) sẽ nâng công suất Cảng HKQT lên 50 triệu hành khách/năm theo nhu cầu phát triển khai thác hàng không. Giai đoạn ba là sau năm 2030 nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm và Long Thành trở thành cảng HKQT trung chuyển.

Nói về sự cần thiết đầu tư Dự án, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV ACV nhấn mạnh, dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải; hình thành và phát triển một Cảng HKQT trung chuyển tại Việt Nam là một nhu cầu cần thiết.

Ông Hùng cũng cho biết: Báo cáo trình Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa qua là báo cáo đầu tư giai đoạn 1. Trong giai đoạn 1, khu bay sẽ bao gồm 2 đường hạ cất cánh song song kích thước 4000mx60m, đáp ứng khai thác tàu bay A380 hoặc tương đương. Có hệ thống đường lăn kết nối đường hạ cất cánh và sân đỗ tàu bay. Các hạng mục cần đầu tư cho giai đoạn 1 cũng dự kiến sẽ được chia thành 5 nhóm. Nguồn vốn đầu tư dự kiến được phân theo 5 nhóm hạng mục cần đầu tư này.

Về tiến độ thực hiện Dự án, dự kiến sẽ lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình năm 2012 - 2014; công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính từ 2014 - 2016; bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế… năm 2016 - 2019; năm 2016 sẽ khởi công san lấp chuẩn bị mặt bằng; từ 2015 - 2025 công tác thực hiện đầu tư và Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025.

Theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, ACV cần phải làm rõ được các vấn đề cụ thể của Dự án Cảng HKQT Long Thành như hạng mục công trình tối thiểu (khu bay, khẩn nguy cứu nạn…), mô hình, kiến trúc và quy mô của nhà ga, các vấn đề liên quan đến giá…

Mô hình Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Lý giải về khó khăn trong việc mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng cho rằng nếu có mở rộng Tân Sơn Nhất để khai thác 25 triệu hành khách/năm nhưng cũng không thể khai thác vượt 35 - 40 triệu hành khách/năm do các nguyên nhân liên quan đến đường hạ cất cánh, trên bầu trời, sân bay chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ có 6 - 7km và các vấn đề về kết nối giao thông.

Về nhu cầu đầu tư của Dự án, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cũng cho rằng: Việt Nam cần có cảng hàng không lớn để cạnh tranh điểm đến với các trung tâm trong khu vực. Hiện nay, các cảng hàng không trong khu vực đều quy hoạch 100 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó, vấn đề tự do hóa trong ASEAN làm cho việc cạnh tranh điểm đến lại càng khốc liệt hơn. Trong khi hầu hết các hãng hàng không lớn bay đến Việt Nam đều bay qua điểm trung chuyển rồi mới đến Việt Nam…

Ông Thanh nhấn mạnh, cùng với việc so sánh các phương án khác thì việc lựa chọn xây dựng Cảng HKQT Long Thành vừa là chiến lược vừa là không có phương án nào khác.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ACV chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp hôm nay để hoàn thiện những vấn đề cần làm rõ về Dự án.

Bộ trưởng yêu cầu, về cơ sở pháp lý thực hiện Dự án Cảng HKQT Long Thành phải căn cứ vào cương lĩnh phát triển đất nước, chiến lược phát triển và quy hoạch. “ Đồng thời sự cần thiết đầu tư dự án cần được làm rõ hơn, viết ngắn gọn hơn và đưa ra đượclý do tại sao lại lựa chọn đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành; tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; tại sao không sử dụng các sân bay khác như Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Lạt. Về quy mô Dự án cần làm ở mức tối thiểu, xác định rõ vấn đề về đất; số lượng hành khách; tại sao đây lại là sân bay trung chuyển, nhu cầu của của đất nước là gì” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề nguồn vốn cho Dự án, Bộ trưởng đề nghị ACV rà soát và xác định nguồn vốn đầu tư, khai thác cảng. Trong đó, xác định nguồn vốn Nhà nước cho giải phóng mặt bằng; xác định hạng mục đầu tư sử dụng vốn ODA; vốn từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ACV cũng cần xác định các vấn đề về giao thông kết nối.

“Xây dựng sân bay Long Thành là tất yếu khách quan, là sự cần thiết cho đất nước phát triển, phù hợp với chiến lược, phù hợp với quy hoạch và phù hợp với cương lĩnh phát triển đất nước. Đây là động lực cho đất nước chúng ta cất cánh” - Bộ trưởng khẳng định.

icon1 Các bài viết khác
Xem thêm